Friday, April 24, 2015

Bánh mì Hokkaido mềm như bông, nhẹ như mây

Bánh mì Hokkaido có lẽ không còn quá xa lạ với các bạn ở Việt Nam nên có lẽ mình không cần phải giới thiệu quá nhiều nữa phải không. Đúng như lời quảng cáo ở tất cả các blog về làm bánh mà mình từng đọc qua, Hokkaido Milk Buns là một loại bánh mì đặc biệt mềm nhẹ, rất thơm mùi sữa và cách làm lại khá đơn giản. Bánh đặc biệt mềm mịn, nhẹ như bông là nhờ sự có mặt của một thành phần rất đặc biệt, chính là Tangzhong hay còn gọi là Water Roux. Mình vô tình biết đến loại bánh này sau khi tham gia một khoá đào tạo trong khuôn khổ chương trình cuộc thi làm bánh mì Pháp. 

Thật ra trong quá trình đào tạo, các chuyên viên không đề cập gì đến Hokkaido Milk Buns, nhưng lại nhắc đến Water Roux như một sản phẩm sáng tạo rất đáng nể của người Nhật. Phải nói là ngoài việc không ngừng học hỏi, người Nhật còn có những sáng tạo của riêng mình, không những trong những lĩnh vực khoa học, công nghệ... mà còn cả trong nghệ thuật nấu ăn, làm bánh khiến đến cả một nước Pháp với nền ẩm thực lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới cũng phải kính nể và thán phục.
Water roux vốn dĩ chỉ là bột được pha với nước và nấu đến khi đạt 65 độ C, có thể theo dõi bằng mắt bằng khi hỗn hợp chuyển sang màu trắng đục, khá sệt, nếu khuấy bằng thìa có thể thử bằng cách quẹt một ngón tay lên thìa, hỗn hợp đạt nhiệt độ khi vệt trên thìa không biến mất. Sau khi hỗn hợp này nguội sẽ trộn trực tiếp với bột làm bánh mì, giúp các thớ bánh mềm mại hơn rất nhiều. Đặc biệt bánh có để lâu cũng không bị cứng so với các công thức và cách làm khác.

Công thức tangzhong:
250gr nước
50gr bột làm bánh mì
Cho các nguyên liệu của tangzhong vào nồi, quấy đều cho đến khi hơn hợp hoà quyện, không còn thấy lợn cợn của bột mì nữa. Đặt nồi lên bếp, đun ở lửa vừa, vừa đun vừa quấy đều đến khi hỗn hợp đạt 65 độ C. Khi này hỗn hợp không còn lỏng mà chuyển sang dạng hơi sệt, màu trắng đục. Tắt bếp rồi đổ hỗn hợp vào bát sạch để dừng quá trình làm chín bột từ nhiệt của nồi. Dùng film thực phẩm bọc lại rồi dùng dao hoặc đũa chọc vài lỗ để thoát hơi nước. Nếu chưa dùng ngay các bạn có thể trữ tangzhong trong tủ lạnh khoảng hai ngày.

Công thức bánh mì hokkaido:
270gr bột làm bánh mì
43gr đường
4gr muối
6gr men 
43gr trứng
29gr kem tươi
27gr sữa tươi
92gr tangzhong
25gr bơ mềm ở nhiệt độ phòng

Cho bột mì, đường, men nở, trứng, kem tươi và sữa vào âu lớn. Nếu dùng máy đánh trứng thì trang bị que móc để nhào bột, còn không các bạn có thể dùng thìa gỗ khuấy đều để các nguyên liệu hoà quyện.
Cho phần tangzhong cùng muối vào rồi nhồi thành khối.
Cho từng chút bơ mềm vào, nhồi cho đến khi bơ hoà quyện hoàn toàn rồi mới cho phần bơ tiếp theo vào.
Vì hỗn hợp khá dính tay nên các bạn có thể sử dụng thêm bột áo. Tuy nhiên nên hạn chế dùng ít nhất có thể tránh tình trạng bột bị khô. Thời gian nhào bột bằng tay có thể dao động từ 25 đến 40 phút tuỳ lực ở tay và cách nhồi. 
Nếu dùng máy đánh trứng để nhào bột, các bạn cần để máy chạy ít nhất 15 phút. Bột nhồi đạt sẽ dẻo mịn, đàn hồi tốt, tuy hơi ướt dính nhưng sờ tay vào bột sẽ không dính theo tay. Các bạn cũng có thể thử bằng cách kéo bột, nếu thấy tạo màng mỏng như hình thì có nghĩa là bột đã được nhồi đủ.
Vo bột thành khối rồi cho vào âu đã quét một lớp dầu ăn mỏng lên thành và đáy âu để chống dính. Dùng khăn ẩm hoặc nilon bọc kín âu. Ủ bột ở nhiệt độ phòng cho đến khi bột nở gấp đôi. Có thể kiểm tra bột ủ đạt bằn cách dùng 2 ngón tay cắm vào khối bột, sâu khoảng 1-2cm, nếu vết lõm giữ nguyên là bột đã ủ đủ, nếu vết lõm phồng trở lại thì cần phải ủ thêm.
Sau khi bột đã nở gấp đôi, dùng mu bàn tay ép nhẹ cho khí trong bột thoát ra ngoài. Lấy bột ra, nhào sơ lại bằng tay khoảng 1-2 phút.
Với bước tạo hình thì các bạn có thể vo tròn lại như hình hoa, hoặc chia nhỏ bột rồi cuộn lại tạo thành các múi lớn cho bánh khuôn loaf... như hình minh hoạ dưới đây.
Với phần công thức này, mình làm được 1 khuôn tròn đường kính 12cm và hai khuôn loaf nhỏ chiều dài 15cm. Nhớ chống dính cho khuôn bằng một lớp dầu ăn mỏng để khi lấy bánh ra khỏi khuôn sẽ đơn giản hơn.
Mang bột đi ủ lần hai cho đến khi bột nở gấp 2 hoặc 3 lần ở nơi ấm áp và kín gió.
Làm nóng lò ở nhiệt độ 180°C. Khi nướng bánh thì hạ xuống 175 độ rồi nướng bánh từ 30 đến 35 phút tuỳ kích thước bánh. Vì mặt bánh vàng khá nhanh nên khi mặt bánh tương đối vàng thì lấy một tờ giấy bạc đậy lên để che cho mặt bánh khỏi bị cháy. Không nên hạ nhiệt và nướng trong khoảng thời gian dài sẽ khiến vỏ bánh bị dày và cứng.
Bánh chín lấy ra khỏi khuôn rồi để lên rack cho đến khi nguội hoàn toàn.
Bánh có thể dùng trong nhiều ngày nếu được bảo quản kĩ bằng cách bọc giấy báo xung quanh và cất trong các hộp hoặc túi kín, ở nơi thoáng mát.
Mình đặc biệt thích mỗi khi xé các múi bánh, nhìn thấy các thớ bánh dẻo dai, mịn màng... Ôi sao mà hạnh phúc. Bánh rất mềm, thơm nên nhà bạn nào có trẻ con rất nên thử một lần. Chắc chắn các bé sẽ rất thích cho mà xem ;)
Chúc mọi người thành công và bon appétit nhé!!!
Lưu ý: Phần mục lục các công thức bánh của Patisserie, je t'aime đã được tổng hợp ở đây
Mục lục các kiến thức cơ bản trước khi làm bánh ở đây.

14 comments:

  1. Chào ban
    mình tìm công thuc banh này nên lot vô nhà ban .....mình thât nguong bê'p nhà ban cho ra lò nhung chiê'c ba'nh thât xinh nhu o trong tiêm dâ'y , mình cung o pha'p mà o miê`n nam dâ'y - hy vong duoc hoc hoi o bê'p nhà ban ...mình râ't mê làm ba'nh lam nhung mình không rành nhung nguyên vât liêu bên này ....vi' du nhung trong bài này ban ghi là 29gr kem tuoi... ban co' thê no'i ro hon hoac ghi tên dùm cho mình nhé cho mình hoi luong 92 tangzhong ban dùng trong ct (sô' còn du lai mình co' dê dành hay là bo ....) vài hàng mong ban huong dân cho m`nh .....c'am on ban truoc và chu'c ban co' 1 ngày vui ve. khanh

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn, cảm ơn bạn rất nhiều vì đã comment nhé <3 Về phần nguyên liệu kem tươi mà mình nói đến trong bài, bạn có thể tìm mua crème entière của hãng Elle et Vire, hoặc bất cứ loại crème entière của các hãng khác, miễn là phần Matière grasse có hàm lượng 30% trở lên. Tuy nhiên đây là kem tươi dùng để làm bánh mì, giúp mùi vị bánh thêm phần hấp dẫn nên chỉ yêu cầu hàm lượng MG 30%, với kem tươi để làm chantilly hay còn gọi là đánh bông kem, dùng trong trang trí bánh kem, làm mousse... thì yêu cầu MG phải từ 35% trở lên. Bạn nhớ lưu ý mục đích sử dụng kem tươi để tìm mua đúng loại nhé ;) Chúc bạn thành công với loại bánh mì này và luôn ủng hộ Patisserie nhé <3

      Delete
  2. khoe với chị bánh của e đây (dù là tay nghề còn kém và bánh hơi "ẹ" 1 tí hihi):
    https://fbcdn-sphotos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/s720x720/10614172_981735045175723_2268327136128743162_n.jpg?oh=dea792955e6cd91d7a06583b542e9b5e&oe=55DDC609&__gda__=1439568820_a1f755b010bba31ea6be25da29f6cf57
    Chị cho e hỏi tí là sao bánh của e ăn nó không kéo ra được thành sớ giống mấy loại bánh mì mềm thông thường (e ko biết diễn tả bằng lời sao cả, hi vọng chị hiều ý e ^.^). Lúc nướng e để hơi bị lâu, bánh of e mặc dù Made in Vietnam nhưng có nước da của Châu Phi hehe! Không biết vì thế nên bánh ăn không được mềm xốp lắm hay là do e nhồi bột chưa đạt chị nhỉ?
    Chị cho e hỏi thêm là máy đánh trứng loại này có dùng để nhồi bột bánh mì được không vậy chị?
    http://nguoibanhang.vn/hcm/May-danh-trung-Black-Decker-M650,detprod,3353.html
    À, e cũng mới giới thiệu blog của chị trong group Facebook: Chuyện của bếp. Ở đây có nhiều người mê làm bánh và đồ ngọt lắm (giống em ). Hi vọng sẽ có nhiều người biết đến blog và sẽ làm được nhiều món ngon từ hướng dẫn của chị nhé!
    PS: đọc comment của e chắc mệt lắm chị nhỉ (tại dài quá mà!!!!)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đọc comment của em chị chẳng vui chẳng hết íh chứ vì vừa được ăn bánh ké qua ảnh, vừa được em quảng cáo blog giúp <3 Làm sáng ra chị vừa vào blog thì thấy báo gần 1000 lượt xem, chị đang không hiểu chuyện gì xảy ra thì đọc được comment của em. Phải nói là cảm ơn em nhiều rất nhiều íh ^.^ Lần sau cứ viết comment dài như em muốn nhé ;)
      Về việc bánh của em "có làn da châu phi" :p thì chắc chắn là vì em nướng hơi lâu rồi, nhưng việc bánh không mềm xốp và không xé bánh ra thành sớ được là vì em nhồi bột chưa đủ lâu. Để có thể thử xem bột đã nhồi đạt chưa, chị nghĩ cách thử tốt nhất là kéo bột xem có tạo màng mỏng như hình chị minh hoạ ở trên không. Hơn nữa bột khi nhồi đạt rất bóng mịn, cảm giác như xờ mông em bé íh :p
      Nói chung chị xem hình bánh em share là thấy bánh rất đẹp và ngon rồi, chỉ cần nhồi bột thêm một chút nữa là hoản hảo rồi ;) Cố lên nhé!!
      À còn về máy nhồi bột em gửi hình kèm, chị nghĩ là có thể nhồi bột được đấy, có điều đừng để máy nhồi một khối lượng bột lớn quá, sẽ làm máy bị nóng, nhanh hỏng. Hy vọng em sẽ tiếp tục ủng hộ Patisserie như thế này nhé <3 Cảm ơn em <3

      Delete
    2. À cho chị xin phép share ảnh của em lên page của Patisserie nhé <3

      Delete
    3. Dĩ nhiên là Okie rồi chị, vì niềm vui của mỗi lần làm bánh là được khoe thành quả với mọi người mà chị nhỉ =D

      Delete
    4. Để bánh được như ý phải thử nghiệm nhiều lần

      Delete
  3. Chị ơi, em làm sao nó khô, ko mướt mềm dai dai. E cũng ko bít sai từ đâu :(((

    ReplyDelete
  4. Mà e cũng thấy thơm ngào ngạt. Cũng thơm, nhưng vẫn bị cái mùi khai khai của men khô í :(((

    ReplyDelete
  5. Cả đời chị luôn mơ ước một lần được đặt chân đến miền Nam nước Pháp, đọc bài viết c lại muốn làm bánh mì...( hơi không liên quan nhỉ😊😊😊😊😊)

    ReplyDelete
  6. Tác phẩm của chị đây, đúng như công thức em đã chỉ, chị bẻ bánh thấy có thớ luôn...Lò nướng chị để có 150o và 30 phút mà nó đã vàng hơi cháy như thế này rồi em à, may quá đã giảm xuống ngay rồi chứ không thì thành than luôn...Cháu nhỏ thích nên chị cho mứt thơm vào làm nhân ..mềm thơm lắm em ạ..Cám ơn em rất nhiều vì loại bánh tuyệt vời này..

    https://photos.app.goo.gl/oChTBNnVs3TE4Thz9

    ReplyDelete